Tin tức chuyên ngành

“Ma trận” giả ngọc trai Phú Quốc: Đến mùa du lịch lại... bùng phát

Thứ hai, 06/08/2012, 11:12 GMT+7

Tại khu du lịch suối Tranh (xã Dương Tơ) ngọc trai Phú Quốc được kêu với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng được bày ngay sát lối đi

PN - Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, hiện Phú Quốc chỉ có một doanh nghiệp nuôi - cấy trai, thế nhưng trên thị trường lại đang có đến hàng trăm điểm rao bán ngọc trai Phú Quốc "chính hiệu".

“Ma trận” ngọc trai

Tháng Bảy, Phú Quốc vào cao điểm du lịch, đến đây chúng tôi như lạc vào “ma trận” ngọc trai. Tại khu chợ đêm Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông), bày bán la liệt những ngọc là ngọc. Ai cũng bảo ngọc của mình bán mới là ngọc trai Phú Quốc chính hiệu, giá bán ngất ngưởng. Có nơi, một cái vòng đeo cổ lên đến hàng trăm, thậm chí là trên 250 triệu đồng. Thế nhưng, không hiểu sao người ta lại “quản lý” tài sản giá trị kếch sù đó hết sức lỏng lẻo. Nếu như tại làng chài Hàm Ninh (xã Hàm Ninh), người ta bày ngọc trai chung với các loại cá khô, thì tại khu du lịch suối Tranh (xã Dương Tơ), ngọc trai được bày lộ thiên ngay sát lối đi... Đáng buồn là truy tìm xuất xứ của những viên ngọc này thì như “mò kim đáy biển”.

Khi đến làng chài Hàm Ninh, vẫn với câu khẳng định “ngọc trai Phú Quốc”, nhưng nhiều người bán ngọc ở đây lại quả quyết là ngọc được săn ở vùng bắc đảo vì hải sản đặc thù ở vùng biển Hàm Ninh chỉ là ghẹ và hải mã. Thế nhưng trong vai khách “xịn” ở Cần Thơ ra mua ngọc tặng vợ, sau khi vượt hơn 30 cây số đường rừng, ngược lên bắc đảo, tôi lại “chóng mặt” khi bà Hai Lùn, chủ điểm bán ngọc trai ngay bãi biển Gành Dầu (xã Gành Dầu) mời mua ngọc với lời khẳng định: “Ngọc này do mấy đứa cháu làm nghề thợ lặn bắt được ở vùng biển Hàm Ninh”. Kèm theo là sự thăng - giáng vô chừng của giá cả những món hàng có nguồn gốc khá mơ hồ này. Cũng với chiếc vòng đeo tay cho bé gái khoảng 10 tuổi với màu sắc và kích cỡ hạt như nhau, nhưng giá bán giữa các nơi lại chênh lệch đến 10 lần. Thậm chí, chỉ sau vài lời trả giá, bà Hai Lùn đã đồng ý hạ từ 5 triệu đồng xuống còn 1,5 triệu cho chuỗi ngọc màu đen. Ông Trần Quốc Khanh - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Quốc cười đầy ẩn ý: “Nhiều chuỗi ngọc được “hét” với giá vài trăm triệu, nhưng có cho tôi cũng không nhận!”.

Biết rồi, khổ lắm…

Theo các tài liệu khoa học, ngọc trai trong tự nhiên rất hiếm, bình quân cứ 15.000 con trai mới có một con sinh ngọc, nên ngọc trai Phú Quốc hiện chủ yếu là ngọc nhân tạo. “Đến nay toàn huyện Phú Quốc chỉ có duy nhất doanh nghiệp Ngọc Hiền đăng ký nuôi trai, cấy ngọc”, ông Trần Quốc Khanh khẳng định. Chúng tôi tìm về khu vực Đường Bào (xã Dương Tơ) nơi doanh nghiệp Ngọc Hiền đặt bản doanh và may mắn được “chúa ngọc” Hồ Phi Thủy tiếp chuyện. Với chất giọng đanh gọn của miền đất Thạch Hà đầy nắng gió, ông Thủy khẳng định: “Mỗi năm tôi đưa khoảng 500.000 con trai vào khai thác với khoảng 500 - 600kg ngọc. Trong đó xuất khẩu sang Nhật khoảng 75%, số còn lại bán tại cửa hàng, không chuyển nhượng cho bất cứ doanh nghiệp, đơn vị nào tại đảo Phú Quốc”. Ông Thủy cũng cho biết, phải mất ba năm sau cấy, mỗi con trai mới cho một viên ngọc. Vì vậy, giá một chuỗi ngọc mà chỉ vài trăm ngàn, hoặc vài triệu đồng thì chắc chắn không phải là ngọc trai Phú Quốc. Tìm đến nhiều cửa hàng bán ngọc trai quy mô lớn ở Phú Quốc, không một ai dám trả lời thẳng câu hỏi: ngọc trai lấy ở vùng biển nào ở Phú Quốc? Các ông chủ ở đây chỉ trưng giấy chứng thư giám định đá quý của Trung tâm Nghiên cứu - kiểm định đá quý và vàng có trụ sở tận... Hà Nội!

Là người con của Phú Quốc nên ông Khanh cũng rất bức xúc trước tình trạng “một người nuôi trai, trăm người bán ngọc”, nhưng ông thừa nhận, rất khó ngăn chận vấn nạn này. Trong khi ngành chuyên trách thiếu cả máy móc, thiết bị lẫn kỹ thuật, thì ngược lại, do lợi nhuận quá cao nên các đối tượng kinh doanh ngọc trai giả ở Phú Quốc luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn. Sau thời gian bị “lật mặt” với màn kiểm định đơn giản bằng cách chà hai viên ngọc vào nhau, nếu xuất hiện vết tróc thì đúng là ngọc giả, gần đây họ nâng cấp “công nghệ” bằng cách đưa về cửa hàng những viên ngọc có độ cứng kèm “Giấy bảo hành một năm” nên đã qua được cách kiểm định truyền thống.

Theo ông Khanh “giấy bảo hành” cũng chỉ là “chiêu” lừa vì không có mấy người dám bỏ công ăn việc làm và vài triệu đồng để trở lại Phú Quốc khiếu nại. “Thậm chí nếu có thì cũng chẳng thu được kết quả như ý vì nội dung bảo hành chỉ đơn giản ghi là chuỗi màu trắng”. Ông Khanh bức xúc: “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, những đóm lửa của nạn kinh doanh ngọc trai Phú Quốc giả hôm nay sẽ bùng phát thành đám cháy thiêu rụi thương hiệu du lịch của Đảo Ngọc trong tương lai không xa”.

tonvanshellbuttons.com.vn


Người viết : Tùng Hương