Trăm sự thành công là do tôi “liều”

Thứ năm, 08/09/2011, 11:02 GMT+7

Mr. Ton Thanh Nghia - President

Đó là lời đúc kết của anh Tôn Thạnh Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Nút áo xuất khẩu Tôn Văn, người đã ghi tên mình vào hàng ngũ triệu phú đô la từ việc xuất khẩu nút áo làm từ vỏ sò, trai, ốc...

Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước vẻ bề thế và tráng lệ khi đến thăm trụ sở Công ty TNHH Nút áo xuất khẩu Tôn Văn mới khai trương ở 129E Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP.HCM. 

Thú vị nhất là khi chúng tôi biết chính nơi này, cách đây 15 năm, trong căn gác xép chật chội, ẩn mình trong con hẻm ngoằn ngoèo nhỏ xíu, anh Nghĩa đã nung nấu ý tưởng mang thiên nhiên vào thời trang bằng cách sản xuất nút áo từ vỏ sò, trai, ốc (xin được gọi tắt là nút xà cừ).

 

Kiểm tra chất lượng sản phẩm

 

Anh kể, cái “liều” đầu tiên của anh là quyết định từ bỏ chức vụ phó giám đốc tại một công ty lớn của Nhật Bản sau hai năm yên vị để đầu tư tâm sức cho việc phát triển sự nghiệp với nút xà cừ. Nút xà cừ với thương hiệu Tôn Văn ra đời từ đó.

Với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm nghiên cứu, cộng với kiến thức của một kỹ sư thủy lợi (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM), anh rất tự tin về tính khả thi của ý tưởng sản xuất nút xà cừ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy không dễ.

Để tìm nguồn nguyên liệu, từ Bắc chí Nam, không một địa phương nào có vỏ xà cừ mà thiếu bước chân của anh. Rồi phải kể đến bao đêm anh mày mò tự chế máy móc cho phù hợp với yêu cầu sản phẩm.

Sau một thời gian lao tâm khổ tứ, anh đem sản phẩm đầu tay đi giới thiệu với một số công ty may mặc, nhưng ở đâu anh cũng chỉ nhận được sự từ chối khéo với lời khuyên “cứ nhẫn nại... chờ”.

Thị trường đầu tiên

 

Công nhân cắt phôi nút xà cừ

Nhận thấy thị trường Việt Nam chưa mặn mà với sản phẩm mới này, anh quyết định... liều xuất khẩu nút xà cừ. Với lợi thế thành thạo tiếng Nhật, biết người Nhật rất thích những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, anh quyết định chọn thị trường Nhật Bản trước.

“Kết quả là bị chê” - anh Nghĩa lại cười, kể - "Lúc sản phẩm mới ra mắt, là thành quả của bao nhiêu tâm huyết và công sức nên mình nhìn ngang nhìn dọc gì cũng thấy đẹp, nhưng với khách hàng nước ngoài thì họ đánh giá nút xà cừ chất lượng còn thấp, sản phẩm chưa đạt thẩm mỹ, kỹ thuật chế tác còn thô sơ. Rất may là họ chịu chê để mình còn biết mà cải tiến”.

Sau thất bại đó, anh Nghĩa bắt đầu đào tạo lại tay nghề cho công nhân, bởi công nhân có thạo nghề thì sản phẩm mới đạt yêu cầu, và tất nhiên tìm nguồn nguyên liệu tốt nhất có thể. Anh cũng liên lạc thường xuyên với các đối tác tiềm năng ở Nhật Bản để hỏi họ về yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của sản phẩm.

 

Cảm động trước ý chí của anh, một doanh nhân Nhật Bản đã giới thiệu nút xà cừ Tôn Văn với một đối tác ở Hồng Kông, thị trường luôn bị lấn lướt bởi nút xà cừ Trung Quốc. Và may mắn đã mỉm cười với anh sau bao nỗ lực: Phía Hồng Kông đã nhận ra sự độc đáo của nút xà cừ Việt Nam và đánh giá cao tính cạnh tranh của mặt hàng này. Cuối cùng, sau bao ngày mong chờ, đơn hàng đầu tiên đã về với nút xà cừ Tôn Văn.

Tự hào nút xà cừ Việt Nam

Đơn hàng càng nhiều, yêu cầu kỹ thuật và thẩm mỹ đối với nút xà cừ Tôn Văn ngày một cao. Đó cũng là lúc anh phải mở rộng nhà máy tại Bình Dương (trong khuôn viên 1ha), và nhập ba máy khắc chữ lazer mới nhất từ Ý, mỗi chiếc giá còn cao hơn giá một xe hơi sang trọng.

Với “sự liều” ấy, nút xà cừ Tôn Văn đã chinh phục được những hãng may mặc thời trang khó tính và cầu toàn trong từng chi tiết sản phẩm, như: Hugo Boss, Dior, adidas, Van Laack, Oui, Escada, Ralph Lauren...

Những nút xà cừ lỗ vuông khắc chữ độc quyền của Hugo Boss, nút đục ba lỗ không lẫn vào đâu được của Van Laack, nút khắc tên ba lần của Oui... đều được Tôn Văn sản xuất thành công.

Trong những show diễn thời trang lớn nhất ở Paris, New York, Milan, Tokyo, khi nhận thấy nút áo Tôn Văn, một sản phẩm hoàn toàn Việt Nam, được gắn trên những bộ trang phục lịch lãm và rất đắt tiền, chắc hẳn là người Việt ai cũng tự hào.

Giờ đây, với quy mô xuất khẩu từ 3- 4 triệu sản phẩm/tháng, nút xà cừ Tôn Văn đã có mặt tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp thời trang phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Nhật, Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... mang lại doanh thu hàng triệu USD mỗi năm, điều mà cách đây mười năm, anh Nghĩa chưa từng nghĩ đến. 

Mở rộng thị trường trong nước

Thật lạ, khi thị trường nước ngoài rất ưa chuộng nút xà cừ Việt Nam thì ngay trong nước, chúng vẫn chưa được phổ biến, trong khi các doanh nghiệp may mặc phải thường xuyên nhập nút xà cừ từ nước ngoài theo yêu cầu của đơn hàng, mà có khi, đó lại là nút xà cừ Tôn Văn.

 

Xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX ở Mỹ, nút áo làm từ vỏ trai, ốc, hay còn gọi là nút xà cừ mà tác giả là John Fredrick Beopple, một người gốc Đức, đã ngay lập tức trở thành biểu tượng của xu hướng thời trang danh giá đặc biệt được ưa chuộng. Thời đó, nút xà cừ thịnh hành đến mức hơn 1/3 dân cư của Muscatine, bang Iowa, Hoa Kỳ tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm đặc biệt này. Thành phố này cũng từng được ghi nhận là “Kinh đô nút thời trang của thế giới”. Thậm chí, người ta còn lập một bảo tàng tại Iowa nhằm tôn vinh “cái nôi” hình thành, giá trị lịch sử cũng như hiệu quả kinh tế mà nút xà cừ đã mang lại cho thành phố. Ngày nay, nút xà cừ được định vị trong phân khúc thời trang cao cấp bởi sự thuần khiết, tính nguyên sơ, vẻ nõn nà hoàn mỹ và đượm hồn thiên nhiên.

Như vậy chẳng khác gì doanh nghiệp Việt Nam nhập lại hàng Việt Nam với giá thành đội lên đến 5-7 lần. Đó là điều mà anh Nghĩa luôn trăn trở nên đã quyết định từng bước chinh phục thị trường trong nước.

Anh nhận định: “Lúc bắt đầu, nút áo xà cừ Tôn Văn không được thị trường trong nước chấp nhận bởi thời điểm đó Tôn Văn chỉ là một cơ sở sản xuất nhỏ bé và hoàn toàn vô danh trong ngành sản xuất nút áo.

Nhưng giờ đây mọi thứ đã khác, Tôn Văn đã trở thành công ty sản xuất chuyên nghiệp với dàn máy móc hiện đại và đội ngũ công nhân lành nghề.

Khách hàng của Tôn Văn là những hãng thời trang và may mặc nổi tiếng bậc nhất thế giới. Do đó, tôi hoàn toàn tin tưởng nút xà cừ Tôn Văn ngày càng mở rộng ở thị trường trong nước, phục vụ các doanh nghiệp may xuất khẩu”.

“Trở về với tự nhiên” đang trở thành xu hướng thời trang toàn cầu. Đặc điểm của xu hướng này là chú trọng sử dụng những nguyên vật liệu, phụ kiện may mặc gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Nắm bắt được xu hướng này tại nước ngoài, Tôn Văn đã thành công. Hy vọng trong thời gian tới, nút xà cừ Tôn Văn sẽ tiếp tục thành công trong việc đưa thiên nhiên vào thời trang Việt Nam, góp phần nâng tầm thời trang Việt.

http://epaper.doanhnhansaigon.vn/dnsgtuan/135/

tonvanshellbuttons.com.vn


Người viết : Hải Lan - Báo DNSG


Copyright © 2011 Công ty TNHH nút áo Tôn Văn