Tin hoạt động

Thị trường bảo hiểm: Vào nhanh kẻo lỡ!

Thứ sáu, 27/04/2012, 10:08 GMT+7

  Những cuộc “đổ bộ” vẫn diễn ra dồn dập trong ngành bảo hiểm bất chấp kinh tế đang khó khăn và những tên tuổi lớn ngáng đường.

 

 

Liên minh lớn IAG - AAA

Cuối tuần rồi, Công ty Bảo hiểm IAG (Úc) công bố việc mua 30% cổ phần của Công ty bảo hiểm AAA. Thương vụ trị giá 16 triệu USD này là thương vụ mua bán cổ phần trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đầu tiên và lớn nhất trong ngành từ đầu năm.

Nhận định về cuộc mua bán này, ông Mike Wilkins, Giám đốc Điều hành của IAG, cho biết: “30% cổ phần trong AAA sẽ giúp chúng tôi bước chân vào thị trường bảo hiểm của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm của ngành bảo hiểm Việt Nam từ năm 2009 đã gây ấn tượng với tôi. Với mức độ sở hữu bảo hiểm của người dân thấp như hiện tại, tôi tin tưởng thị trường sẽ còn tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao như vậy trong vòng 3 - 5 năm tới”.

Thông qua thương vụ mua bán 30% cổ phần ban đầu này với AAA, mục tiêu của IAG là nhằm tiến đến việc nắm giữ 49% cổ phần trong AAA. Ông Justin Breheny, CEO IAG khu vực châu Á không giấu tham vọng: “IAG có quyền ưu tiên để gia tăng số lượng cổ phần tại AAA lên 49% theo biên bản thỏa thuận đã ký kết”.

Ngoài ra, IAG sẽ hỗ trợ AAA mở rộng hoạt động và trở thành công ty bảo hiểm mạnh hơn tại thị trường hấp dẫn này. Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc AAA, cho hay, việc IAG tham gia cùng bảo hiểm AAA nằm trong định hướng chiến lược của công ty để đón đầu cơ hội phát triển nhanh và mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong những năm tới.

Cụ thể, IAG sẽ giúp AAA hoàn thiện ứng dụng sâu công nghệ thông tin trong việc quản lý khách hàng, bồi thường, giám định kịp thời, chính xác, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm và đào tạo nhân sự. Hiện, AAA đang đứng ở vị trí thứ 8 trong tổng số 28 công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, với 700 nhân sự.

Bám đuổi Prudential

Trong khi IAG đang đặt những nền móng đầu tiên bước chân vào thị trường Việt Nam thì Công ty Bảo hiểm nhân thọ Generali (Y) cũng có những bước tiến sâu hơn vào thị trường này. Generali đang chuẩn bị cho việc ra mắt công ty tại Việt Nam và văn phòng mới tại TP.HCM vào ngày 10/5 sắp tới.

Bất chấp các công ty bảo hiểm nhân thọ nổi tiếng khác đã có mặt từ lâu tại Việt Nam, Generali tự tin khẳng định sẽ mang đến những lợi thế so sánh riêng. Cụ thể, đó là các sản phẩm bảo hiểm đa dạng nhấn mạnh vào bảo hiểm sức khoẻ và chương trình hưu trí cho nhân sự của các tập đoàn đa quốc gia.

Tháng 3 vừa qua, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản Sumitomo (Nhật Bản) cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Số lượng các công ty tham gia bảo hiểm nhân thọ dù không ngừng tăng lên qua mỗi năm, nhưng theo các chuyên gia trong ngành, con số 14 doanh nghiệp nhân thọ hiện nay vẫn còn ít với một thị trường tiềm năng như Việt Nam.

Prudential đang bị các đối thủ bám đuổi quyết liệt - Ảnh: Quý Hòa

Theo khảo sát Vietcycle do TNS Việt Nam thực hiện, năm 2011, tỷ lệ người dân sở hữu bảo hiểm tại Việt Nam khá thấp, chỉ 6,6%. Và cũng chỉ 25% người dân tại ba thành phố chính của Việt Nam gồm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng sở hữu sản phẩm bảo hiểm.

Trong đó, đa phần chỉ sở hữu một sản phẩm bảo hiểm. Trong khi, ở Philippines hay Hồng Kông, người dân thường mua từ 2 - 4 sản phẩm bảo hiểm. “Chúng ta sẽ thấy tỷ lệ sở hữu bảo hiểm của người dân Việt Nam sẽ tăng lên trong tương lai, ít nhất là 5 - 10 năm nữa. Điều quan trọng là công việc của các đại lý phải giúp khách hàng nhận ra nhu cầu cần được bảo hiểm và chọn giải pháp phù hợp nhu cầu của khách hàng”, ông Robert Cook, Chủ tịch Manulife Financial Asia Limited khu vực châu Á, nhấn mạnh.

Không chỉ các công ty mới hăng hái tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam, các công ty hiện hữu cũng không ngừng mở rộng mạng lưới của mình. Hệ thống đại lý của Manulife Việt Nam trong năm 2011 đã trưởng đáng kể với 34% lên 12.000 đại lý toàn quốc cùng với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2011 của công ty gấp đôi tốc độ chung 20% của ngành bảo hiểm nhân thọ.

Theo ông David Wong, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Manulife Financial, về lâu dài, mục tiêu của công ty là vươn từ vị trí thứ ba trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lên nhóm hai công ty có doanh thu phí bảo hiểm hằng năm cao nhất.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh số bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam có thể tăng 20%, đạt 24.200 tỷ đồng trong năm 2012 trong khi khu vực bảo hiểm nhân thọ tăng 15%. Mức chi trả cho bảo hiểm phi nhân thọ bình quân trên đầu người ở Việt Nam là 10,30USD trong khi con số ở Malaysia và Thái Lan lần lượt là 141,80USD và 77,60USD.

Trước đó, hồi đầu năm, Bảo Việt đặt mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm mới vượt Prudential Việt Nam. Thông tin này gây xôn xao ngành bảo hiểm nhân thọ vì Prudential Việt Nam vốn ở vị trí số 1 tại Việt Nam từ rất lâu.

Dù vậy, một chuyên gia trong ngành nhận xét, mục tiêu chạy đua của các nhóm dưới Prudential nhằm giành giật thị phần doanh thu khai thác mới là có thể và sẽ ngày càng trở nên gay cấn. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, sau 10 năm, nhiều hợp đồng bảo hiểm đang sắp hết thời hạn.

Do vậy, một số công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ bị mất một lượng khách hàng lâu năm. Khi đó, khách hàng có thể có nhiều cơ hội lựa chọn công ty và sản phẩm bảo hiểm khác trong điều kiện có nhiều nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm hơn như hiện nay.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, Prudential Việt Nam nắm giữ 27,8% thị phần khai thác mới. Theo sát Prudential Việt Nam là Bảo Việt với 27,2% thị phần.


CONG TY TNHH NUT AO TON VAN
Người viết : MINH THÀNH