Activities

Bão số 4 chưa tan, bão số 5 đã đến

Monday, 26/09/2011, 13:00 GMT+7

(NLĐO) – Trong khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền thì bão số 5 đã vào biển Đông với hoàn lưu rất mạnh, độ xoáy cao.

Sáng 26-9, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương (Ban chỉ đạo) và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã họp khẩn bàn biện pháp đối phó với bão kép: Haitang  - cơn bão số 4 và Nesat – cơn bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (Trung tâm), đến 7 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão số 4 trên khu vực quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi khoảng 340 km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 8; giật cấp 9, cấp 10.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận định trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và có khả năng mạnh thêm.
 
Bão số 4 đã đổ bộ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế (ảnh của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Đến 24 giờ tiếp theo, bão sẽ mạnh lên cấp 8, cấp 9; giật cấp 10, cấp 11 và ảnh hưởng đến các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.

Theo ông Lê Thanh Hải, dự báo 4 giờ ngày 27-9, bão số 4 sẽ áp sát ven bờ với sức gió mạnh cấp 8, cấp 9.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam nên khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp cấp 6, cấp 7; giật cấp 8, cấp 9 và có mưa dông mạnh.

“Siêu bão Nesat đã vào biển Đông với hoàn lưu rất mạnh, độ xoáy cao đã hút ẩm từ bão số 4. Các dự báo hiện tại cho rằng bão sẽ hướng về phía Lôi Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể nói trước được điều gì, khả năng vào Việt Nam có thể là 50%” – ông Hải lo ngại.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm 26, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực Bắc Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, khu vực Bắc Tây Nguyên và thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Cao Đức Phát yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, đề phòng mưa lũ sau bão.

Theo ông Phát, bão số 4 đã giảm bớt căng thẳng đôi chút do ảnh hưởng của bão Nesat nhưng vẫn phải đề phòng mưa cục bộ.

Thống kê của Bộ đội Biên phòng cho biết đến 6 giờ ngày 26-9, đã có 31.459 tàu/147.290 lao động được thông báo về đường đi của bão số 4.

Trong đó, 35 tàu/488 lao động đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa (chủ yếu của Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Hiện 12 tàu của tỉnh Quảng Nam đang trú ở các đảo thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa; 23 tàu của tỉnh Quảng Ngãi đang trú quanh các đảo Trụ Cẩu, Đá Lồi và Bông Bay.

Tàu cá số hiệu ĐNa 00234 của TP Đà Nẵng bị hỏng máy từ sáng 25-9 và đang thả neo tại tọa độ 16,08’ độ Vĩ Bắc,108,19’ độ Kinh Đông.

Bộ Quốc phòng cho biết hiện 6 máy bay trực tại các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc, Phan Rang, Tân Sơn Nhất; 9 tàu Hải quân; 5 tàu của cảnh sát biển và 6 tàu của Trung tâm Hàng hải Việt Nam đã sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn.

20.000 tấn lương thực ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cũng sẵn sàng xuất kho.

Lũ ĐBSCL lên nhanh và ở mức cao
 
Trong khi đó, lũ hạ lưu sông Mê Kông, đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và ở mức cao.

Trung tâm dự báo những ngày tới, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh và ở mức cao.

Đến ngày 28-9, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4,7 m, trên báo động 3 là 0,2m; sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 4,05 m, trên báo động 3 là 0,05 m; sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lên mức 2,0 m, trên báo động 3 là 0,2m; các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

Bảo Trân